Posted by : Unknown Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

TT - Ông Lê Quốc Ân, một người bạn đồng hương, gọi điện báo cho chúng tôi một chuyện mà ông gọi là “một chuyện vui vui”: ông vừa đọc bài “Sắp gục ngã trước ngưỡng cửa đại học” (Tuổi Trẻ 28-8), viết về Lâm Văn Vũ ở một làng quê nghèo Quảng Ngãi trúng tuyển hai trường đại học, nhưng gia đình nghèo không biết xoay xở ở đâu để có tiền vào học..

Ông đã hỏi tòa soạn và liên lạc với Vũ, với ý định giúp em một số tiền... “Thật bất ngờ - ông nói - sau khi tôi hỏi qua hoàn cảnh của Vũ và nói ý định của tôi, Vũ đã cảm ơn và xin từ chối vì báo Tuổi Trẻ nói có nhiều người giúp cháu rồi chú ạ, cũng trên 10 triệu rồi chứ ít gì đâu, cháu đủ tiền vào trường rồi mà...”.
Quả là một chuyện vui. Bởi vì, “tiền vô nhà khó như gió vô nhà trống”, với hoàn cảnh của Vũ, bao nhiêu là đủ? Bao nhiêu là đủ khi từ tuổi thơ dại, như nhiều đứa trẻ ở làng quê nghèo, tay buông cây viết là phải cầm ngay chiếc roi chăn bò chăn trâu mướn, cầm ngay cái cuốc, cái rựa làm thuê trên ruộng trên vườn?...
Bao nhiêu là đủ khi mới hai tháng trước đây, người mẹ một đời làm mướn của Vũ đã phải chạy vay nhiều nơi được 800.000 đồng cho Vũ vào Sài Gòn thi đại học, đến giờ vẫn chưa trả hết? Bao nhiêu là đủ khi vừa thi xong đại học, Vũ đã vào làm ở một quán cà phê để có chút tiền mà sống và nghĩ về chuyện học?... Ấy vậy mà, với Vũ, gió vô nhà trống, gió tụ lại, tiền vô nhà khó, tiền đọng lại. Tụ lại, đọng lại, trước hết vì cậu học trò nghèo ấy biết đủ: “Cháu đủ tiền vào trường rồi mà...”.
Tất nhiên, Lâm Văn Vũ không phải là trường hợp duy nhất. Nhiều năm tổ chức chương trình “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên, chúng tôi đã gặp nhiều học trò nghèo biết đủ như vậy.
Có một lần chương trình “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên khu vực Việt Bắc diễn ra ở Tuyên Quang, chúng tôi không cầm được nước mắt khi một nữ tân sinh viên cút côi, sống với bà ngoại già nhận được suất 4 triệu đồng (năm ấy mỗi suất chỉ 4 triệu) đã đến gặp chúng tôi: “Các anh chị ơi, em chỉ mơ ước có được 200.000 đồng để đủ tiền xe về Hà Nội thôi, về được Hà Nội em sẽ đi rửa bát, đi hốt rác mà học... Vậy mà giờ em có đến 4 triệu đồng. Ở trường em còn nhiều bạn vất vả lắm, cho em...”.
Năm 2011, chương trình diễn ra ở Đà Lạt (dành cho năm tỉnh Tây nguyên), một tân sinh viên ở Kon Tum trúng tuyển vào Đại học Tây nguyên, sau khi nhận suất học bổng 5 triệu đồng đã “cưu mang” người bạn cùng lớp về Đắk Lắk cùng học. “Bạn em - tân sinh viên này nói - cũng cùng làm thuê như em, đậu vào cao đẳng, không được xét học bổng, em chia tạm cho bạn để bạn khỏi phải bỏ học, rồi tính...”. Rồi tính. Các bạn phải tính để cùng sống và cùng học, cùng bước về tương lai, nhưng các bạn không hề tính đủ cho riêng mình.
Khi đang viết những dòng này, chúng tôi nhận được tin nhắn của Lâm Văn Vũ: “Có nhiều hoàn cảnh còn khó khăn hơn cháu. Cháu chỉ mong là có đủ tiền để bước vào đại học, rồi cháu sẽ cố gắng đi làm để có tiền lo những học kỳ sau. Số tiền 14 triệu đồng của các cô chú, anh chị cho còn lại, cháu sẽ chia sẻ với các bạn sinh viên khác, chú ạ...”.
“Có đủ” với Vũ và với hàng ngàn tân sinh viên nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” chỉ là 5 triệu đồng. 5 triệu đồng giữa Sài Gòn, Hà Nội, giữa chốn thị thành là rất nhỏ, nhưng phần lớn các bạn đều hiểu sức nặng nghĩa tình phía sau số tiền đó, nên trở thành lớn, rất lớn...
Mỗi năm chương trình “Tiếp sức đến trường” dành cho tân sinh viên diễn ra, chúng tôi lại ghi thêm được những phẩm chất rất đẹp, rất quý ở một lớp trẻ nghèo khó... Phẩm chất ấy càng sáng lên trong mùa “Tiếp sức đến trường” năm nay, khi mà bên những trang báo viết về các bạn là những trang báo viết về những bác giám đốc quá đỗi giàu có vì được hưởng “lương khủng” từ mồ hôi nước mắt của người lao động.
Tiền vô nhà khó như gió vô nhà trống. Nhà các bạn phần lớn đều trống trước trống sau, nhưng các bạn biết lấy liếp lấy phên che lại nên gió dừng lại, như đồng tiền, dù nhà khó, thiếu trăm bề, các bạn vẫn biết đủ. Còn nhà những bác giám đốc ấy rất cao rất rộng, đầy đủ tiện nghi, kín cổng cao tường, ấy vậy mà gió cứ lông lốc lùa vào, lùa vào, như đồng tiền tỉ nọ tỉ kia không bao giờ thấy đủ.


____________
Một bài báo hay muốn chia sẻ . Khâm phục em này 

{ 1 nhận xét... read them below or add one }

Welcome to My Blog

Followers

g

- Copyright © Film and music for life -Robotic Notes- Powered by Blogger - Designed by Johanes Djogan -